ICC Court of Arbitration Arbitral Award 7754

ICC Court of Arbitration Arbitral Award 7754

 

Cơ quan xét xử: Tòa trọng tài thương mại quốc tế

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên bán – Singapore

- Bị đơn: Bên mua – Ba Lan

Tóm tắt tình tiết: Bên bán là doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore và bên mua là doanh nghiệp có trụ sở tại Ba Lan kí kết hợp đồng mua bán linh kiện phần cứng máy tính. Luật áp dụng trong hợp đồng là Luật quốc gia Pháp. Bên bán giao trước cho bên mua một nửa số hàng theo hợp đồng, tuy nhiên, bên mua nhận được thông báo từ phía khách hàng của mình là có lỗi kĩ thuật xảy ra với lô hàng đã nhận. Bên mua từ chối nhận nửa số hàng còn lại mà bên bán giao, và đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bên bán đã nhờ đến Trọng tài để giải quyết vấn đề này và yêu cầu bên mua bồi thường tổn thất cho mình theo mức lãi suất yêu cầu.

Vấn đề pháp lý: Bên bán được quyền giảm giá theo quy định của CISG?

Phán quyết: Hội đồng trọng tài xét thấy việc bên mua lập luận hàng hóa không phù hợp là vi phạm cơ bản của bên bán để làm cơ sở chấm dứt hợp đồng là không thỏa đáng. Hội đồng trọng tài quan tâm đến một chi tiết rằng hàng hóa không được miêu tả đúng như trong tài liệu mà bên mua đã đưa ra làm căn cứ. Thực tế là hàng hóa được giao có khiếm khuyết nhưng bên mua lại không chứng minh rằng những sai sót và thiếu phù hợp nêu trên sẽ khiến hàng hóa hoàn toàn không thể sử dụng được. Chính vì vậy, hàng hóa, dù chưa phù hợp, chưa bị xem là kém phẩm chất đến nỗi không thể đáp ứng được mục đích sử dụng của bên mua. Do đó, vi phạm của bên bán do giao hàng không phù hợp với hợp đồng chưa bị xem là vi phạm cơ bản theo Điều 25 CISG.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 46 CISG quy định: “Nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, bên mua có thể đòi bên bán giao hàng thay thế nếu sự không phù hợp đó tạo thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng”; trong khi đó Điều 49 quy định bên bán có thể khắc phục mọi khiếm khuyết trong việc thực hiện hợp đồng bằng chi phí của mình nếu anh ta có thể thực hiện việc đó không chậm trễ và không gây ra bất lợi bất hợp lý nào cho bên mua, hoặc là phải bồi hoàn cho bên mua mọi chi phí mà anh ta đã bỏ ra để khắc phục vi phạm. Cũng theo Điều 49 CISG, bên mua chỉ có thể tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc vi phạm hợp đồng của bên bán cấu thành vi phạm cơ bản. Trong tình huống này, đại diện của bên bán đã khẳng định trong biên bản chứng thực của mình là việc sửa chữa đối với hàng hóa cung cấp có thể được tiến hành với chi phí nhỏ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, bên mua đã không hề đề cập đến vấn đề sửa chữa này. Bên cạnh đó, tòa án cũng đã xác nhận được rằng: thông qua bản Telex mà bên mua đã yêu cầu hoãn việc giao một phần hàng hóa đã đặt hàng, yêu cầu này là vì lý do bên mua gặp tình huống khó khăn từ bên khách hàng cuối cùng mua sản phẩm, chứ không có bất cứ vấn đề kỹ thuật nào phát sinh. Vì vậy, bên mua đã bị tác động để yêu cầu hoãn thời gian giao hàng chứ không phải vì lý do kỹ thuật. Như vậy, hội đồng trọng tài kết luận rằng bên mua đã vi phạm điều 49 Công ước vì không tạo cơ hội để bên bán khắc phục khiếm khuyết, và vì vi phạm của bên bán không phải là vi phạm cơ bản như đã phân tích ở trên, nên hội đồng đưa ra phán quyết hợp đồng không bị hủy trong trường hợp này.

Xem xét mức độ lỗi của hai bên, trọng tài phán quyết rằng bên mua chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bán vì đã hủy hợp đồng thiếu căn cứ; tuy vậy, căn cứ những yếu tố của trường hợp này, và đặc biệt là sự không phù hợp giữa hàng hóa được mô tả trong hợp đồng và yêu cầu chất lượng cũng như khả năng sử dụng của sản phẩm, trọng tài xác nhận bên mua được quyền giảm giá sản phẩm với mức 25% trị giá còn lại của hợp đồng.

Germany 3 June 1998 Appellate Court Saarbrücken (Flowers case)

Germany 3 June 1998 Appellate Court Saarbrücken (Flowers case)

 

Cơ quan xét xử: Tòa phúc thẩm, Đức

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên bán – Ý

- Bị đơn: Bên mua – Đức

Tóm tắt tình tiết: Bên mua là doanh nghiệp có trụ sở kinh doanh tại Đức đã mua hoa từ bên bán có trụ sở kinh doanh tại Ý. Khi thu thập hoa tại trụ sở của bên bán, người lái xe của bên mua đã thông báo về tình trạng “tồi tệ” của hàng hóa cho bên mua chứ không mô tả cụ thể. Sau khi nhân hàng, bên mua thông báo cho bên bán biết về tình trạng “tồi tệ” của hoa và từ chối thanh toán.

Vấn đề pháp lý: Bên mua có hoàn thành nghĩa vụ thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa theo CISG?

Phán quyết: Tòa án cho rằng bên mua đã không tuân theo nghĩa vụ thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa, cụ thể là thông báo gửi tới bên bán không mô tả cụ thể về sự không phù hợp của hàng hóa, không đề cập tới kích thước và hình dạng của hoa. Ngoài ra, do giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế này có đối tượng là hoa là hàng hóa dễ hư hỏng và theo mùa, bên mua phải hành động ngay lập tức vào ngày nhận hàng. Bên mua đã không chứng minh được rằng mình đã gửi thông báo đúng hạn, bởi không ghi nhận lại chính xác thời điểm hàng được giao cũng như thời điểm gửi thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa.

Fa. N. GmbH v. Fa. N. GesmbH & Co KG8 Ob 509/93

Fa. N. GmbH v. Fa. N. GesmbH & Co KG8 Ob 509/93

 

Cơ quan xét xử: Tòa Oberster Gerichtshof, Áo

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên bán: Yugoslav

- Bị đơn: Bên mua – Áo

Tóm tắt tình tiết: Vào năm 1989 một công ty tại Áo giao kết hợp đồng với một công ty và một đại lý tại Yugoslav. Theo hợp đồng, công ty ở Áo phải vận chuyển nguyên vật liệu thô cho công ty tại Yogoslaw để chế biến thành thành phẩm là cọ và chổi.Thành phẩm sau đó được vận chuyển trở về Áo bởi đại lý tại Yugoslav.Khoảng cuối năm 1989, bên bán giao kết một hợp đồng độc lập khác với đại lý tại Yugoslav để vận chuyển số cọ còn lại.Sau đó, bên bán hủy hợp đồng và đại lý tại Yugoslav khởi kiện yêu cầu thanh toán giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại.Bên bán cũng phản tố yêu cầu công ty và đại lý tại Yugoslav trả lại giá trị hợp đồng thứ nhất.

Vấn đề pháp lý: Liệu hợp đồng giữa các bên có thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG?

Phán quyết: Tòa phúc thẩm chỉ tập trung giải quyết yêu cầu phản tố của bên mua là công t tại Áo. Tòa chấp nhận phán quyết của tòa sơ thẩm, rằng hợp đồng mua bán thứ hai được xem là thuộc phạm vi điều chỉnh bởi CISG, trong đó tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên có trụ sở tại các quốc gia thành viên Công ước khác nhau theo Điều 1(1)(a) CISG. Đối với yêu cầu phản tố của công ty Áo, tòa án xét thấy hợp đồng đầu tiên mà các bên giao kết không phải là hợp đồng cung cấp hàng hóa cho mục đích chế biến hay sản xuất theo CISG, bởi bên mua là công ty Áo đã thực hiện việc cung cấp một phần nguyên vật liệu cần thiết cho hoạt động chế biến và sản xuất với số lượng đáng kể căn cứ theo Điều 3(1) CISG. Hơn nữa, theo Tòa án, việc áp dụng CISG cũng bị loại trừ theo Điều 3(2) CISG, vì “bên có nghĩa vụ cung cấp hàng hóa có phần nghĩa vụ cung cấp lao động hoặc dịch vụ khác vượt trội hơn”. Vì vậy, CISG không được áp dụng để giải quyết tranh chấp này.

Germany 28 February 1996 District Court Oldenburg (Egg case)

Germany 28 February 1996 District Court Oldenburg (Egg case)

 

Cơ quan xét xử: Tòa án quận LG Oldenburg, Đức

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên bán – Đức

- Bị đơn: Bên mua – Hà Lan

Tóm tắt tình tiết: Bên mua có trụ sở tại Hà Lan và bên bán có trụ sở tại Đức giao kết hợp đồng mua bán trứng. Vào đầu tháng ba, bên bán đã nhờ một công ty vận chuyển giao cho bên mua 3 thùng trứng loại 2. Thùng trứng thứ nhất mà bên bán giao bao gồm 26 khay trứng, mỗi khay bao gồm 8.640 quả trứng, không phải là 10.800 quả như bên mua mong đợi, vì vậy tổng cộng trong chuyến hàng này bên bán đã giao thiếu 56.160 quả trứng. Thùng hàng thứ hai chỉ chứa 20 khay và 14 khay tiếp theo được vận chuyển trong thùng hàng thứ ba. Bên bán khẳng định rằng các thùng hàng này đều được giao theo đúng hợp đồng mua bán và hợp đồng chỉ quy định việc vận chuyển số hàng trứng loại 2 còn lại theo một thời gian nhất định, chứ không ghi cụ thể số lượng trứng. Bên mua cho rằng hợp đồng yêu cầu vận chuyển 3 thùng hàng đầy đủ 26 khay trứng, mỗi khay 10.800 quả trứng – cũng là thực tiễn thương mại mà các bên đã thiết lập với nhau. Ngoài ra, bên mua cho rằng bên bán cũng đã hứa vận chuyển bổ sung số trứng còn thiếu. Bên mua khởi kiện bên bán yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên mua phải giao kết hợp đồng khác thay thế. 

Vấn đề pháp lý: Lời đề nghị giao kết như trên có đủ chính xác để trở thành một lời chào hàng theo quy định của CISG?

Phán quyết: Tòa án xét rằng những tài liệu mà bên bán trình bày không tuân theo chính xác những tiêu chí được quy định trong Điều 14 đến Điều 19 Công ước. Theo hợp đồng, bên mua đồng ý việc bên bán sẽ giao 3 thùng hàng đầy, mỗi thùng gồm 26 khay trứng, tuy nhiên không ghi rõ con số cụ thể. Trên thực tế, các đơn đặt hàng khác của bên mua luôn ghi rõ số khay trứng chứa 10.800 quả, đôi khi là 12.960 quả, nhưng đa số vẫn là 10.800 quả. Tòa án kết luận rằng hợp đồng không xác định cụ thể một khay phải chứa 10.800 quả trứng, mà trong văn bản viết cũng như lời nhân chứng xác nhận chỉ đề cập tới “3 thùng trứng loại 2”. Dù không kết luận rõ ràng về tính chính xác của lời chào hàng, tòa án công nhận giữa các bên có tồn tại mối quan hệ hợp đồng, vì vậy lời đề nghị của bên bán với cách xác định số lượng hàng hóa trên được xem là đủ chính xác để trở thành lời chào hàng theo Điều 14 CISG.

Sign in to your account