Germany 11 March 1998 Appellate Court München (Cashmere sweaters case)

Germany 11 March 1998 Appellate Court München (Cashmere sweaters case)

 

Cơ quan xét xử: Tòa án phúc thẩm địa phương, Đức

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên bán – Ý

- Bị đơn: Bên mua – Đức

Tóm tắt tình tiết: Bên mua có trụ sở kinh doanh tại Đức đã đặt mua áo len cashmere từ bên bán có trụ sở kinh doanh tại Ý. Trong đơn đặt hàng của bên mua có chứa điều khoản soạn sẵn với nội dung sau: “Những điều kiện chuẩn của ngành quần áo và dệt may của Đức là một phần của đơn đặt hàng”, và điều khoản này cũng được ghi nhận trong các đơn đặt hàng khác. Bên bán gửi xác nhận lại mỗi đơn đặt hàng của bên mua nhưng kèm theo điều khoản soạn sẵn với nội dung: “Đối tượng của hợp đồng cũng là việc thanh toán và vận chuyển theo điều kiện của ngành công nghiệp dệt may Đức. […] Nếu khách hàng bị khởi kiện tại quốc gia có thẩm quyền đối với văn phòng kinh doanh của khách hàng này, quốc gia đó có thẩm quyền giải quyết. […] Khiếu nại phải được lập thành văn bản trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận hàng”, và vẫn thực hiện hợp đồng. Sau khi bên bán giao hàng, bên mua cho rằng hàng hóa không phù hợp với hợp đồng nên không tiếp tục thanh toán. Bên bán khởi kiện bên mua yêu cầu thanh toán giá trị hợp đồng và lãi chậm trả.

Vấn đề pháp lý: Điều khoản hợp đồng nào có giá trị ràng buộc các bên?

Phán quyết: Có thể thấy chấp nhận của bên bán đối với đơn đặt hàng của bên mua đã làm biến đổi cơ bản điều khoản soạn sẵn của đơn đặt hàng theo quy định của khoản 3 Điều 19. Tuy nhiên, bên mua đã chấp nhận những điều kiện chung bổ sung đó, có nghĩa là hoàn giá của bên bán, bằng việc thực hiện hợp đồng. Vì thế, tòa án trong tranh chấp này đã tuyên rằng hợp đồng được các bên giao kết và điều khoản của hợp đồng là những điều khoản soạn sẵn trong đơn đặt hàng của bên mua kèm theo những sửa đổi trong thư xác nhận đơn đặt hàng của bên bán, do bên mua vẫn tiến hành thực hiện hợp đồng mà không có động thái phản đối. Điều này đồng nghĩa với điều khoản soạn sẵn của bên mua sẽ không có giá trị pháp lý, không cấu thành một phần nội dung của hợp đồng.

France 27 May 2008 Court of Appeals Rennes (Brassiere cups case)

France 27 May 2008 Court of Appeals Rennes (Brassiere cups case)

Cơ quan xét xử: Tòa phúc thẩm, Pháp

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên mua – Pháp

- Bị đơn: Bên bán – Ý

Tóm tắt tình tiết: Vào năm 2003, bên bán là doanh nghiệp có trụ sở tại Pháp đã giao kết với bên mua là doanh nghiệp có trụ sở tại Ý một số hợp đồng mua miếng lót ngực để sản xuất áo bơi. Tổng số lượng hàng hóa của các hợp đồng là 17.600 đôi. Hàng hóa được giao đến cho một công ty Tunidi để gia công. Trong quá trình gia công, bên mua phát hiện ra các miếng lót ngực không phù hợp với yêu cầu về chất lượng đã được quy định trong hợp đồng và trả lại hàng. Ngày 3/11/2003, bên bán Italia đề nghị sẽ sửa chữa hàng hóa và sẽ giao hàng hóa phù hợp trong thời gian 5 tuần. Tuy vậy, bên bán đã không thực hiện được việc sửa chữa hàng hóa trong thời gian nói trên. Ngày 11/12/2003, bên mua tuyên bố hủy hợp đồng và đòi bên bán bồi thường 32.490 euros, bao gồm 2 khoản sau:

- Chi phí sản xuất lô áo bơi tại Tuy-ni-di từ miếng lót ngực không đạt chất lượng: 16.290 euros (1800 áo x chi phí 9,05 euros/áo)

- Thiệt hại (do chênh lệch giá) khi mua miếng lót ngực để thay thế: công ty bên mua, vào tháng 12/2003 đã phải đặt hàng mua gấp 16.200 đôi miếng lót ngực từ một nhà cung cấp T khác và vì mua gấp cũng như không có vị thế đàm phán nên phải chấp nhận mức giá cao hơn 1 euros so với mức giá trong hợp đồng, dẫn đến thiệt hại là 16.200 euros

Bên bán phản đối các điểm bồi thường nói trên và cho rằng các khoản này là không hợp lý.

Vấn đề pháp lý: Bên mua có được yêu cầu bồi thường thiệt hại theo CISG?

Phán quyết: Về các khoản mà bên mua đòi bồi thường, tòa án lập luận như sau:

– Khoản 1: Theo các thư từ trao đổi giữa các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp, vào thời điểm phát hiện ra sự không phù hợp của hàng hóa, chỉ có 860 đôi miếng lót ngực được đưa vào sản xuất. Tuy vậy, phải đợi 3 ngày sau thì công ty bên mua mới cho lệnh dừng dây chuyền sản xuất áo bơi tại Tunidi, làm cho số lượng áo bơi được sản xuất tăng lên 1800. Tòa án dẫn chiếu đến Điều 77 CISG liên quan đến nguyên tắc hạn chế tổn thất, theo đó, bên bị vi phạm phải áp dụng những biện pháp hợp lý căn cứ vào các tình huống cụ thể để hạn chế tổn thất do sự vi phạm hợp đồng gây ra. Tòa án cho rằng, trong trường họp này, đáng lẽ bên mua phải hành động nhanh chóng hơn để giảm bớt thiệt hại do việc miếng lót ngực không đúng chất lượng được đưa vào sản xuất. Hơn nữa, chi phí sản xuất áo bơi (9,05 euros/áo) do bên mua tính là chưa hợp lý vì chi phí nhân công trung bình để sản xuất áo bơi tại Tunidi thấp hơn ở Pháp rất nhiều, chỉ khoảng 1 euros/áo. Với những lập luận đó, Tòa án cho rằng bên mua chỉ được đòi bồi thương thiệt hai số tiền là 3000 euros.

– Khoản 2: Để xem xét khoản thiệt hại do mua hàng thay thế, tòa án áp dụng Điều 75 CISG: Khi hợp đồng bị hủy và nếu bằng một cách hợp lý và trong một thời hạn hợp lý sau khi hủy hợp đồng, bên mua đã mua hàng thay thế hay bên bán đã bán lại hàng thì bên đòi bồi thường thiệt hại có thể đòi nhận phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá mua thay thế hay bán lại hàng. Khi so sánh giá một đôi miếng lót ngực theo hợp đồng là 0,93 và 0,98 euros (tương ứng với hai cỡ MB 01 và MB 02) và giá mua thay thế là 1,98 Tòa án thấy rằng sự chênh lệch giá là quá lớn và bất hợp lý. Tòa cho rằng, việc mua hàng thay thế vì thế đã không đáp ứng được yêu cầu về tính hợp lý được quy định tại Điều 75 CISG. Vì thế, khoản thiệt hại này đã bị tòa án bác bỏ.

Tòa án ra phán quyết rằng bên mua chỉ yêu cầu bồi thường được 3000 euros chứ không phải là 32.490 euros.

Asante Technologies, Inc. v. PMC-Sierra

Asante Technologies, Inc. v. PMC-Sierra, Inc., U.S. [Federal] District Court for the Northern District of California, 30 July 2001

 

Cơ quan xét xử: Tòa án sơ thẩm Liên bang quận Bắc California, Hoa Kỳ

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên mua – Hoa Kỳ

- Bị đơn: Bên bán – Canada

Tóm tắt tình tiết: Bên mua một nhà sản xuất ổ cắm mạng có trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ giao kết “Thỏa thuận bảo hành có giới hạn cho sản phẩm prototype” với bị đơn là một doanh nghiệp được thành lập tại Hoa Kỳ nhưng có trụ sở tại bang Oregon Hoa Kỳ và Canada. Thỏa thuận này có đề cập đến các phẩm cách kỹ thuật của các phụ kiện mà bên mua muốn bên bán đáp ứng. Khi đặt mua phụ kiện, bên mua theo hướng dẫn của bên bán đã gửi hầu hết các đơn đặt hàng đến một nhà phân phối độc lập ở California. Các phụ kiện này sau đó bị khiếu nại là không phù hợp với thỏa thuận.Bên mua khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Vấn đề pháp lý: Liệu CISG có được áp dụng để điều chỉnh mối quan hệ mua bán hàng hóa giữa hai bên?

Phán quyết: Tòa án xét thấy hợp đồng giữa hai bên thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG, bởi hai bên đều có trụ sở kinh doanh tại hai quốc gia khác nhau và cả hai quốc gia này đều là thành viên của Công ước theo quy định tại Điều 1(1)(a). Cụ thể, bên bán có trụ sở kinh doanh, văn phòng bán hàng và marketing, phòng đối ngoại và nhà kho ở British Columbia, cũng như thực hiện phần lớn các chức năng thiết kế và kỹ thuật khác tại đây. Trong quá trình thương lượng với bên mua, bên bán đã gửi các văn bản về phẩm cách kỹ thuật từ Canada và các bên đã thực hiện thỏa thuận này tại Canada. Tòa án cũng thấy rằng trụ sở kinh doanh tại Canada của bên bán có mối quan hệ mật thiết nhất với hợp đồng và là nơi thực hiện hợp đồng, dù cho bên mua có liên lạc với các kỹ sư bên bán ở trụ sở kinh doanh tại Mỹ.

Arbitration Tribunal of Bulgarian Chamber of Commerce & Industry Case No. 56/1995 of 24 April 1996

Arbitration Tribunal of Bulgarian Chamber of Commerce & Industry Case No. 56/1995 of 24 April 1996

Cơ quan tài phán: Cơ quan trọng tài của Phòng Thương mại và Công nghiệp Bulgaria

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên mua – Bulgari

- Bị đơn: Bên bán – Ukraine

Tình tiết: Các bên thỏa thuận rằng bên bán sẽ vận chuyển một số lượng than nhất định với một giá trị cụ thể và bên mua sẽ thanh toán giá trị hợp đồng theo 05 tín dụng thư được mở bởi bên mua. Do hàng hóa khi được vận chuyển đến không đủ số lượng yêu cầu trong hợp đồng, bên mua từ chối thanh toán 10% giá trị hợp đồng còn lại. Bên bán cho rằng mình được miễn trách nhiệm theo quy định về sự kiện bất khả kháng trong Điều 8 của hợp đồng và Điều 79(1) CISG, căn cứ vào thực tế là Chính phủ Ukraine đã ban hành Nghị định cấm xuất khẩu than và cuộc biểu tình của các công nhân mỏ than tại Ukraine xảy ra khiến cho nghĩa vụ giao hàng hóa theo hợp đồng là không thể thực hiện.  

Vấn đề pháp lý: Bên bán có được miễn trách theo quy định tại Điều 79(1) CISG hay không.

Phán quyết: Bên bán không được miễn trách theo quy định tại Điều 79(1) CISG.

Lập luận: Cơ quan xét xử cho rằng sự kiện được coi là bất khả kháng (force majeure) khi nó xảy ra sau thời điểm giao kết hợp đồng và là sự kiện với “tính chất bất thường, không thể lường trước và ngăn chặn được”. Việc Chính phủ quốc gia bên bán ban hành Nghị định cấm xuất khẩu than là sự kiện bất ngờ và khách quan, nhưng đã xảy ra trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng và vào thời điểm xảy ra cuộc biểu tình của các công nhân mỏ than tại Ukraine, bên bán đã có mặt tại đó và biết được điều này. Bên bán cũng đã không thông báo ngay cho bên mua về việc không thể thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng do có sự kiện bất khả kháng theo Điều 8 trong hợp đồng và Điều 79(4) CISG.

Sign in to your account