ICC Court of Arbitration Arbitral Award 7754

ICC Court of Arbitration Arbitral Award 7754

 

Cơ quan xét xử: Tòa trọng tài thương mại quốc tế

Bên tranh chấp:

- Nguyên đơn: Bên bán – Singapore

- Bị đơn: Bên mua – Ba Lan

Tóm tắt tình tiết: Bên bán là doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore và bên mua là doanh nghiệp có trụ sở tại Ba Lan kí kết hợp đồng mua bán linh kiện phần cứng máy tính. Luật áp dụng trong hợp đồng là Luật quốc gia Pháp. Bên bán giao trước cho bên mua một nửa số hàng theo hợp đồng, tuy nhiên, bên mua nhận được thông báo từ phía khách hàng của mình là có lỗi kĩ thuật xảy ra với lô hàng đã nhận. Bên mua từ chối nhận nửa số hàng còn lại mà bên bán giao, và đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bên bán đã nhờ đến Trọng tài để giải quyết vấn đề này và yêu cầu bên mua bồi thường tổn thất cho mình theo mức lãi suất yêu cầu.

Vấn đề pháp lý: Bên bán được quyền giảm giá theo quy định của CISG?

Phán quyết: Hội đồng trọng tài xét thấy việc bên mua lập luận hàng hóa không phù hợp là vi phạm cơ bản của bên bán để làm cơ sở chấm dứt hợp đồng là không thỏa đáng. Hội đồng trọng tài quan tâm đến một chi tiết rằng hàng hóa không được miêu tả đúng như trong tài liệu mà bên mua đã đưa ra làm căn cứ. Thực tế là hàng hóa được giao có khiếm khuyết nhưng bên mua lại không chứng minh rằng những sai sót và thiếu phù hợp nêu trên sẽ khiến hàng hóa hoàn toàn không thể sử dụng được. Chính vì vậy, hàng hóa, dù chưa phù hợp, chưa bị xem là kém phẩm chất đến nỗi không thể đáp ứng được mục đích sử dụng của bên mua. Do đó, vi phạm của bên bán do giao hàng không phù hợp với hợp đồng chưa bị xem là vi phạm cơ bản theo Điều 25 CISG.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 46 CISG quy định: “Nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, bên mua có thể đòi bên bán giao hàng thay thế nếu sự không phù hợp đó tạo thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng”; trong khi đó Điều 49 quy định bên bán có thể khắc phục mọi khiếm khuyết trong việc thực hiện hợp đồng bằng chi phí của mình nếu anh ta có thể thực hiện việc đó không chậm trễ và không gây ra bất lợi bất hợp lý nào cho bên mua, hoặc là phải bồi hoàn cho bên mua mọi chi phí mà anh ta đã bỏ ra để khắc phục vi phạm. Cũng theo Điều 49 CISG, bên mua chỉ có thể tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc vi phạm hợp đồng của bên bán cấu thành vi phạm cơ bản. Trong tình huống này, đại diện của bên bán đã khẳng định trong biên bản chứng thực của mình là việc sửa chữa đối với hàng hóa cung cấp có thể được tiến hành với chi phí nhỏ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, bên mua đã không hề đề cập đến vấn đề sửa chữa này. Bên cạnh đó, tòa án cũng đã xác nhận được rằng: thông qua bản Telex mà bên mua đã yêu cầu hoãn việc giao một phần hàng hóa đã đặt hàng, yêu cầu này là vì lý do bên mua gặp tình huống khó khăn từ bên khách hàng cuối cùng mua sản phẩm, chứ không có bất cứ vấn đề kỹ thuật nào phát sinh. Vì vậy, bên mua đã bị tác động để yêu cầu hoãn thời gian giao hàng chứ không phải vì lý do kỹ thuật. Như vậy, hội đồng trọng tài kết luận rằng bên mua đã vi phạm điều 49 Công ước vì không tạo cơ hội để bên bán khắc phục khiếm khuyết, và vì vi phạm của bên bán không phải là vi phạm cơ bản như đã phân tích ở trên, nên hội đồng đưa ra phán quyết hợp đồng không bị hủy trong trường hợp này.

Xem xét mức độ lỗi của hai bên, trọng tài phán quyết rằng bên mua chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bán vì đã hủy hợp đồng thiếu căn cứ; tuy vậy, căn cứ những yếu tố của trường hợp này, và đặc biệt là sự không phù hợp giữa hàng hóa được mô tả trong hợp đồng và yêu cầu chất lượng cũng như khả năng sử dụng của sản phẩm, trọng tài xác nhận bên mua được quyền giảm giá sản phẩm với mức 25% trị giá còn lại của hợp đồng.

Sign in to your account