VẤN ĐỀ ĐẠO VĂN VÀ TRÍCH DẪN TÀI LIỆU THAM KHẢO THEO QUY ĐỊNH VỀ TRÍCH DẪN VÀ CHỐNG ĐẠO VĂN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM

 

VẤN ĐỀ ĐẠO VĂN VÀ TRÍCH DẪN TÀI LIỆU THAM KHẢO THEO QUY ĐỊNH VỀ TRÍCH DẪN VÀ CHỐNG ĐẠO VĂN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM

Đạo văn là vấn đề được giới nghiên cứu ở mọi lĩnh vực khoa học đều quan tâm vì tính chất và hệ quả của nó vô cùng nghiêm trọng, nhất là lĩnh vực khoa học pháp lý vì người nghiên cứu khoa học pháp lý lại vi phạm các quy chế và cả quy định của pháp luật ngay trong chính hoạt động nghiên cứu khoa học của mình. Điều đó đặt ra vấn đề cần làm gì để tránh đạo văn, nhất là đạo văn khi chính người nghiên cứu không có chủ ý và trích dẫn tài liệu của người khác không chính xác. Bài viết này sẽ làm rõ hơn về hai vấn đề: đạo văn và trích dẫn tài liệu tham khảo, theo quy định, quy chế của trường Đại học Luật TP.HCM, để các bạn sinh viên tham gia Nghiên cứu khoa học tham khảo.

I. ĐẠO VĂN – VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Trong Nghiên cứu khoa học , đạo văn là một hành vi vi phạm nghiêm trọng, thể hiện sự thiếu trung thực và ảnh hưởng đến quy chuẩn đạo đức chung. Tuy nhiên, hiện nay chưa thực sự có nhiều bạn sinh viên hiểu rõ đạo văn là gì cũng như các hình thức của đạo văn. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về đạo văn cũng như các hình thức biểu hiện, từ đó phòng tránh hành vi này nhé.

Đạo văn là việc sử dụng tác phẩm của người khác vào tác phẩm của mình mà không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo và Quy định Về trích dẫn và chống đạo văn của trường Đại học Luật TP. HCM.

Đạo văn có thể được thể hiện, nhưng không bị giới hạn ở các hình thức sau:

1. Sử dụng đoạn văn, thông tin, hình ảnh từ tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn, hoặc có chỉ dẫn nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn nhưng không tuân thủ đúng quy định trong Quy định này.

2. Diễn giải đoan văn, nội dung trong tác phẩm của người khác bằng ngôn ngữ của mình mà không trích dẫn nguồn gốc tác phẩm được sử dụng; tóm tắt nội dung các tác phẩm của người khác nhưng không trích dẫn nguồn gốc của tác phẩm được sử dụng.

3. Trích dẫn một hoặc nhiều tác phẩm của người khác để hình thành tác phẩm của mình (có dung lượng chiếm từ 50% nội dung tác phẩm trở lên), dù có thực hiện đúng quy định vè trích dẫn nguồn. Quy định này không áp dụng đối với tác phẩm mang mục đích bình luận theo Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Chiếm đoạt tác phẩm của người khác và trình bày như tác phẩm của mình.

Nếu bị phát hiện có hành vi đạo văn, các tác giả bài Nghiên cứu khoa học, các bài viết tạp chí,… có thể bị xử lý theo những cách sau, căn cứ theo hình thức và tùy mức độ nghiêm trong của hành vi, đạo văn có thể bị xử lý bởi một hoặc một số các biện pháp sau:

1. Khiển trách;

2. Trừ điểm từ 25% đến 50% đối với tác phẩm vi phạm;

3. Đình chỉ có thời hạn việc bảo vệ, đánh giá nghiêm thu tác phẩm (từ 03 tháng đến 12 tháng);

4. Không cho bảo vệ, nghiệm thu tác phẩm.

5. Hủy bỏ kết quả bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đối với luận văn, luận án, các công trình nghiên cứu khoa học.

II – TRÍCH DẪN TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sau khi đã biết rõ về đạo văn rồi, vậy làm cách nào để chúng mình phòng tránh đạo văn? Cách duy nhất là các bạn phải trung thực và cẩn thận trong hành văn, trong tư duy nghiên cứu để tránh bị trùng lặp với ý kiến hay các bài viết từ những tác giả đi trước. Tuy vậy, trong nghiên cứu khoa học thì việc trích dẫn từ các tác giả khác là điều đương nhiên. Việc này sẽ giúp bài viết của các bạn có sức thuyết phục hơn, đồng thời tạo thêm minh chứng thuyết phục cho bài viết. Vì vậy, khi nghiên cứu khoa học, các bạn còn phải nắm rõ cách trích dẫn nguồn bất cứ khi nào các bạn sử dụng lời trích hay chú giải, ý từ các tác phẩm khác. Vấn đề trích dẫn gồm một số nguyên tắc chung sau:

- Sách (sách một tác giả, sách nhiều tác giả); luận án tiến sỹ; luận văn thạc sĩ: Tên tác giả hoặc cơ quan ban hành (năm xuất bản), Tên sách hoặc tên luận án luận văn, NXB, nơi xuất bản, trang trích dẫn.

Ví dụ: Nguyễn Đăng Dung (2001), Một số vấn đề về Hiến pháp và bộ máy nhà nước, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội, tr.10.

- Bài đăng trên tạp chí, báo in: Tên tác giả (năm công bố), “Tên bài báo”, Tên tạp chí, (số báo), trang trích dẫn.

Ví dụ: Võ Khánh Vinh (2006), “Khung tư duy nhận thức về xã hội dân sự”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (02), tr.10.

- Báo điện tử: Tên tác giả, “Tên bài báo”, Tên báo điện tử, [Đường link truy cập] (truy cập lần cuối).

Ví dụ: Mạnh Cường, “Khám phá đường dây đưa người trái phép sang Trung Quốc”, Công an nhân dân, [http://cand.com.vn/Phap-luat/Cao-Kham-pha-duong-day-dua-nguoi-trai-phep-sang-Trung-Quoc-347061/] (truy cập lần cuối lúc 10.28 ngày 12/5/2015)

- Bài tham luận hội thảo: Tên tác giả, “Tên bài tham luận hội thảo”, Tên hội thảo, Cơ quan tổ chức ngày và nơi tổ chức hội thảo, số trang kỷ yếu hội thảo.

Ví dụ: Đặng Thanh Hoa, “Xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết đối với các tranh chấp phát sinh về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất: Một số vướng mắc và đôi điều kiến nghị”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học về “Giao dịch và giải quyết tranh chấp giao dịch về quyền sử dụng đất”, do Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật Tp. HCM tổ chức ngày 29/11/2011 tại Trường Đại học Luật Tp.HCM, tr.15-20.

- Báo cáo: Tên cơ quan ban hành (Năm công bố), “Tựa đề”, Trang trích dẫn

Ví dụ: Inter-Agency Steering Committe of  VietNam Government (2011), “Report on Comprehensive Needs Assessment for the Development of Vietnam’s Legal System to the Year 2010”, tr.9.

- Văn bản quy phạm pháp luật: Tên văn bản có đầy đủ số ký hiệu văn bản và tên văn bản, điều luật căn cứ.

Ví dụ: Mục... khoản... Điều..., Nghị định số 72/2006/NĐ/CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 quy định ch tiết thi hành Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

- Bản án: ghi đúng ký hiệu bản án và trích yếu theo hướng dẫn tại Nghị Quyết số 01/2005/NQ-TANDTC ngày 31 tháng 3 năm 2005.

Ví dụ: Bản án số: 09/2005/KDTM-ST về "V/v tranh chấp về hợp đồng  thuê mua tài chính” của Tòa án Nhân dân tỉnh X.

- Văn bản của liên hiệp quốc, công ước: Tên công ước, Ngày ký, Tên viết tắt của công ước theo quy định quốc tế, (Ngày có hiệu lực)

Ví dụ: Vienna Declaration and Programme of Action (‘Vienna Declaration’), opened for signature 25 June 1993, UNTS Doc A/CONF.157/23 (entered into force 25 June 1993)

Trên đây là thể thức và ví dụ minh họa của trích dẫn tài liệu tham khảo theo quy định của trường Đại học Luật TP.HCM./.

Tạ Bảo Châu - thành viên CLB Luật sư Quốc tế

(sưu tầm, tổng hợp)

 

Sign in to your account