SƠ LƯỢC VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

SƠ LƯỢC VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

I. Khoa học và nghiên cứu khoa học

1.1. Khoa học

Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

Như vậy, khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về qui luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những qui luật của tự nhiên, xã hội, và tư duy. Hệ thống tri thức này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội. Phân biệt ra 2 hệ thống tri thức: tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học.

- Tri thức kinh nghiệm: là những hiểu biết được tích lũy qua hoạt động sống hàng ngày trong mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Quá trình này giúp con người hiểu biết về sự vật, về cách quản lý thiên nhiên và hình thành mối quan hệ giữa những con người trong xã hội. Tri thức kinh nghiệm được con người không ngừng sử dụng và phát triển trong hoạt động thực tế. Tuy nhiên, tri thức kinh nghiệm chưa thật sự đi sâu vào bản chất, chưa thấy được hết các thuộc tính của sự vật và mối quan hệ bên trong giữa sự vật và con người. Vì vậy, tri thức kinh nghiệm chỉ phát triển đến một hiểu biết giới hạn nhất định, nhưng tri thức kinh nghiệm là cơ sở cho sự hình thành tri thức khoa học.

- Tri thức khoa học: là những hiểu biết được tích lũy một cách có hệ thống nhờ hoạt động NCKH, các họat động này có mục tiêu xác định và sử dụng phương pháp khoa học. Không giống như tri thức kinh nghiệm, tri thức khoa học dựa trên kết quả quan sát, thu thập được qua những thí nghiệm và qua các sự kiện xảy ra ngẫu nhiên trong hoạt động xã hội, trong tự nhiên. [1]

1.2. Nghiên cứu khoa học

Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn.

Theo Earl R. Babbie (1986), NCKH (scientific research) là cách thức: (1) Con người tìm hiểu các hiện tượng khoa học một cách có hệ thống; và (2) Là quá trình áp dụng các ý tưởng, nguyên lý để tìm ra các kiến thức mới nhằm giải thích cá sự vật hiện tượng.

Như vậy, NCKH là hoạt động tìm hiểu, xem xét, điều tra hoặc thử nghiệm, dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức đạt được từ thực nghiệm, để phát hiện ra cái mới về bản chất sự vật, về thế tự nhiên và xã hội. [2]

II. Ý nghĩa của nghiên cứu khoa học

2.1 Ý nghĩa chung

Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay, khoa học đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra cơ sở vật chất của xã hội, hoàn thiện các quan hệ xã hội và hình thành con người mới.

Nghiên cứu khoa học giúp trả lời những câu hỏi mang tính học thuật hoặc thực tiễn, làm hoàn thiện và phong phú thêm các tri thức khoa học. đưa ra các câu trả lời để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Nghiên cứu khoa học còn cung cấp kiến thức, làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của người đọc, thuyết phục người đọc tin vào bản chất khoa học và kết quả thực nghiệm nhằm đưa người đọc đến quyết định và hành động phù hợp để cải thiện tình hình của các vấn đề đặt ra theo chiều hướng tốt hơn.

2.2 Ý nghĩa của NCKH đối với sinh viên nói chung và sinh viên Luật nói riêng 

Thứ nhất, giúp sinh viên bổ sung những kiến thức không được học trong chương trình chính khóa, lấp đầy những kiến thức về kinh tế, đời sống xã hội để làm giàu vốn sống cho bản thân. Trong quá đi khảo sát hay thực tế, các bạn sẽ phải vận dụng những kỹ năng ít khi dùng đến, qua đó bạn hiểu sâu hơn hơn về những điều còn bỏ ngỏ ở giảng đường hay những bài học trong sách.

Thứ hai, giúp sinh viên đào sâu hơn những kiến thức được học. Nghiên cứu khoa học sẽ phát huy khả năng phân tích, đánh giá, liên tưởng, kết hợp với những điều mới để giải quyết những vấn đề đang quan tâm, thắc mắc… từ một vấn đề sẽ mở rộng ra nhiều vấn đề làm phong phú kiến thức cũng như vốn sống chúng ta.

Thứ ba, trau dồi cho sinh viên những bài học bổ ích rút ra từ công việc nghiên cứu. Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, ăn ý, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên trong đội. Bên cạnh đó, công việc nghiên cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối… nhưng từ những bài học đó giúp các bạn rút ra những kinh nghiệm quý giá mà chính bản thân tự chiêm nghiệm và thay đổi.

Thứ tư, sự đánh giá và nhìn nhận của Khoa, Nhà trường đối với công sức của các bạn bỏ ra. Đó có thể là những điểm cộng, điểm thưởng… vào thành tích học tập cuối năm hay điểm rèn luyện tùy vào thành tích chúng ta đạt được.

Thứ năm, chính là những kinh nghiệm viết báo cáo, chuyên đề tốt nghiệp sau này hay làm khóa luận tốt nghiệp. Những kinh nghiệm này thực sự bổ ích cho sinh viên năm cuối và khi rời ghế nhà trường đi làm. Cao hơn là những luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ… [3]

Nguyễn Anh Hoàng - Thành viên CLB Luật sư Quốc tế

(sưu tầm, tổng hợp)

Nguồn:

[1] Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài (2012), Phương pháp nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

[2] Phòng Quản lý khoa học, Các định nghĩa và khái niệm về nghiên cứu khoa học, https://www.bdu.edu.vn/tin-tuc/cac-dinh-nghia-va-khai-niem-ve-nghien-cuu-khoa-hoc.html (truy cập lần cuối ngày 27/9/2019)

[3] Phạm Thị Tâm (2016), Vai trò của NCKH đối với việc nâng cao trình độ của sinh viên,  http://dtth.saodo.edu.vn/ban-tin-noi-bo/vai-tro-cua-nghien-cuu-khoa-hoc-voi-viec-nang-cao-trinh-do-cua-sinh-vien-296.html (truy cập lần cuối ngày 27/9/2019)

Sign in to your account